Ngày 19/4/2023, Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội làm trưởng đoàn đã có chuyến làm việc, trao đổi kinh nghiệm về triển khai cơ chế phối hợp liên ngành và vận hành mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại tỉnh Quảng Ninh.
Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội và tỉnh bạn Quảng Ninh tại Hội nghị
Trân trọng đón đoàn tại tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đại diện các Sở, Ban, Ngành như Tư pháp, Liên đoàn lao động, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa thể thao, Thông tin và Truyền thông, Công an, Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Đoàn công, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng đoàn đã thông tin về một số kết quả nổi bật của Hội LHPN Hà Nội trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em thời gian qua. Đồng chí cho biết vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Hội LHPN Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026”. Trong đề án, có một nội dung quan trọng là giao Hội LHPN Hà Nội chủ trì nghiên cứu, thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội nghe chia sẻ kinh nghiệm vận hành mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em tại tỉnh Quang Ninh
Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN, đại diện các Sở, Ban, Ngành liên quan tỉnh Quang Ninh tham gia Hội nghị
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy hiện nay, trên quy mô toàn quốc, một số địa phương đã thành lập mô hình liên ngành, một điểm dừng như tỉnh Quảng Ninh thành lập Mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái năm 2019. Thành phố Đà Nẵng năm 2021 đã phê duyệt Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn – không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, giai đoàn 2021-2025, tầm nhìn 2035”. Tháng 3/2023, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố.
Quang cảnh hội nghị
Vì vậy, để chuẩn bị cho việc thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại dự kiến ngay trong năm 2023, Hội LHPN Hà Nội tổ chức các đoàn thăm, tham khảo kinh nghiệm hoạt động của các mô hình liên ngành hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh/thành bạn. Đầu tháng 4 vừa qua, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tọa đàm khảo sát, đánh giá mô hình “Địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm”. Trước đó, đoàn công tác của Hội cũng đã có cơ hội tìm hiểu, nghe giới thiệu về mô hình tại TP Đà Nẵng.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy mong muốn, thông qua hoạt động trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Quảng Ninh, Hội LHPN Hà Nội sẽ có thêm các dữ liệu hữu ích về thực tế vận hành mô hình, cơ chế phối hợp liên ngành, các thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai mô hình để qua đó tham khảo, nghiên cứu vận dụng phù hợp với thực tiễn địa bàn Hà Nội.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thủy phát biểu, trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ phòng, chống bạo lực phụ nữ, trẻ em tại tỉnh Quảng Ninh
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quang Ninh đã giới thiệu tới Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội về Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2996/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND tỉnh.
Theo đó, đối tượng tác động của Quy chế là người bị bạo lực hoặc có nguy cơ cao bị bạo lực trên cơ sở giới; trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ cao bị xâm hại; thân nhân, người bảo vệ, người giám hộ và cá nhân có liên quan; Đối tượng thực hiện hoạt động phối hợp liên ngành bao gồm: Ủy ban nhân dân các cấp; Ngành chức năng cấp tỉnh, huyện, xã; các tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức xã hội có liên quan, các cơ sở trợ giúp người bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị xâm hại như Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Cở sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh…
Hội nghị diễn ra theo tinh thần nghiêm túc,cởi mở cùng giúp nhau có thêm kinh nghiệm trong công tác tham gia hỗ trợ phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em
Quy chế nhằm đảm bảo việc phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em được thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, tránh chồng chéo và hạn chế khoảng trống; nâng cao trách nhiệm giải trình của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện quy trình điều phối và trong từng hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em. Đồng thời huy động nguồn lực, tập trung giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả cung cấp các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị xâm hại.
Các ý kiến chia sẻ tại Hội nghị
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thủy, thời gian qua, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và đặc biệt Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em của tỉnh, Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh các hoạt động như: tuyên truyền triển khai thực hiện Quy chế liên ngành; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong tham mưu, thực hiện công tác phòng chống bạo lực giới, xâm hại trẻ em; tham gia phối hợp giải quyết, can thiệp, hỗ trợ các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại; giám sát, theo dõi quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái…
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã đến thăm mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương”- địa chỉ tạm lánh cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại tại tỉnh Quảng Ninh
Đánh giá cho thấy việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành cấp tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể; là căn cứ quan trọng để các cơ quan, đơn vị chức năng và các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc và phối hợp chặt chẽ trong quá trình giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em; tạo ra sức mạnh pháp lý, hiệu lực, hiệu quả cao hơn trong quá trình triển khai nhiệm vụ của các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng…
Đoàn cũng đã làm việc, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Để có thêm cơ sở thực tiễn đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội đã đến thăm mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” và có buổi làm việc trao đổi chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Theo Báo Phụ nữ Thủ đô