Chính phủ quy định từ ngày 1/1/2023 phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 104/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Từ 1/1/2023 Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ không còn giá trị sử dụng (Ảnh: Nguyễn Dương).
Nghị định 104 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023; khi đó các thủ tục hành chính, dịch vụ công có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy được thay thế bằng việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú theo Điều 14 nghị định này.
Điều 14 Nghị định 104 nêu rõ, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Thông tin về cư trú của công dân tại thời điểm làm thủ tục hành chính được cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ghi nhận và lưu giữ trong hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau:
– Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia
– Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNelD
– Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip;
– Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, Nghị định 104 nêu rõ: Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.
Việc yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được nêu cụ thể trong quyết định công bố thủ tục hành chính của bộ, cơ quan, địa phương hoặc các văn bản thông báo dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định 104 và thực hiện công bố thủ tục hành chính theo quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình.
Sửa đổi 20 nghị định liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu
Theo quy định của Luật Cư trú, từ ngày 1/1/2023 sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp sẽ không còn giá trị.
Nghị định số 104/2022 vừa được Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung 20 nghị định liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công gồm: Nghị định số 104/2022, Nghị định số 61/2015, Nghị định số 146/2018, Nghị định số 116/2016, Nghị định số 105/2020, Nghị định số 81/2021, Nghị định số 168/2016, Nghị định số 100/2015, Nghị định số 137/2013, Nghị định số 99/2015, Nghị định số 134/2016, Nghị định số 43/2014, Nghị định số 19/2011, Nghị định số 150/2018, Nghị định số 123/2015, Nghị định số 45/2021, Nghị định số 131/2021, Nghị định số 11/2021, Nghị định số 20/2021 và Nghị định số 57/2017.