Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Dự thi Giải Báo chí Búa liềm vàng tỉnh Quảng Ninh năm 2024: Kiên trì mục tiêu nhân dân hạnh phúc – Bài 1: Vì hạnh phúc của nhân dân

Khắp bản làng từ miền núi tới miền xuôi, cái nghèo đã dần bị đẩy lùi, nhường chỗ cho ấm no, giàu có. Những cánh đồng, rừng cây trù phú tốt tươi, hứa hẹn một mùa màng bội thu, no đủ. Điện sáng, nước sạch đến tận nhà dân, trẻ em vui tươi đến trường. Bằng nhiều nguồn lực đầu tư, cùng sự nỗ lực vươn lên của chính người dân, Quảng Ninh đang từng bước hiện thực hóa khát vọng “Nhân dân hạnh phúc”, xây dựng tỉnh thành một “vùng đất lành”, nơi mọi miền quê đều trở nên đáng sống, đáng đến. 

Cán bộ, người dân TP Hạ Long trồng cây, chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Những ngôi trường mang tên “Hạnh phúc”

Năm học 2024-2025 trở nên phấn khởi, hạnh phúc hơn với thầy, trò Trường THCS thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) khi việc dạy và học được diễn ra trong một ngôi trường mới, khang trang, hiện đại. Từ một ngôi trường cũ với nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp, sau quá trình nâng cấp, cải tạo, nay Trường THCS thị trấn Ba Chẽ khoác lên mình một diện mạo mới khang trang, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, trở thành “ngôi nhà chung hạnh phúc” của các thầy cô giáo cùng hơn 300 học sinh.

Được sự quan tâm của tỉnh và huyện, Trường THCS thị trấn Ba Chẽ được cải tạo, xây dựng, nâng cấp theo mô hình trường chất lượng cao của Bộ GD&ĐT quy định, thay thế cho ngôi trường đã xuống cấp, không đủ điều kiện theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Trường gồm 3 khối nhà cao 3 tầng, trên 20 phòng học, phòng bộ môn, thư viện, nhà đa năng và các công trình phụ trợ; tổng mức đầu tư trên 101 tỷ đồng. Công trình hoàn thành đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng.

Đàm Xuyến Chi (học sinh lớp 9A, Trường THCS thị trấn Ba Chẽ) phấn khởi nói: “Chúng em hạnh phúc vì được học trong ngôi trường mới. Khuôn viên trường rộng rãi, trang thiết bị học tập đầy đủ, hiện đại hơn, là điều kiện tốt để chúng em học tập tốt”. Cô giáo Đỗ Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Ba Chẽ, cho biết: “Sau nhiều năm phải học tập, giảng dạy trong ngôi trường xuống cấp, năm nay cô và trò nhà trường rất phấn khởi khi được tiếp quản ngôi trường mới bề thế, khang trang, sạch đẹp. Đây là nguồn động lực quan trọng tiếp thêm sức mạnh cho cô và trò nhà trường nỗ lực thi đua dạy tốt, học tốt”.

Học sinh Trường THCS thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) được học tập trong ngôi trường khang trang nhờ sự đầu tư của tỉnh.

Với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng, rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, giai đoạn 2022-2025 tỉnh quan tâm hỗ trợ, đầu tư 30 trường học, đảm bảo mục tiêu mỗi huyện có ít nhất 1 trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã ít nhất có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Tính đến năm học 2024-2025 toàn tỉnh có 22 trường học chất lượng cao đã được xây dựng, đưa vào sử dụng, mang lại điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh toàn tỉnh, để mỗi ngày đến trường đều là ngày hạnh phúc.

Bên cạnh đầu tư các trường học chất lượng cao, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, mang đến nền giáo dục tốt nhất cho mỗi học sinh. Năm học này, cô và trò Trường Mầm non Quảng La (TP Hạ Long) được quan tâm đầu tư bổ sung các phòng học, phòng chức năng, các hạng mục phụ trợ… cho 3 điểm trường: Trung tâm, Xóm Mới, Tổng hợp; tổng mức đầu tư 14,3 tỷ đồng. Cô giáo Hoàng Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi nói: Công trình hoàn thành sẽ đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2, giúp nhà trường nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Giai đoạn 2021-2024 toàn tỉnh đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng cho giáo dục để xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Nhờ đó toàn tỉnh đã xây dựng được một hệ thống trường lớp đến tận các khe bản, vùng sâu, vùng xa, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Hầu hết các trường được địa phương quan tâm bố trí quỹ đất ở những vị trí khu vực trung tâm, thuận tiện cho học sinh đến trường.

Một tiết thí nghiệm của học sinh Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long).

Bản làng giàu có, yên vui

Cách đây 13 năm, bắt đầu chương trình xây dựng NTM, huyện Bình Liêu được coi là “rốn nghèo” của tỉnh, khi tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm trên 60%, thu nhập bình quân mới đạt 8,82 triệu đồng/người/năm; huyện có 6/7 xã, thị trấn trong diện đặc biệt khó khăn.

Thế nhưng đến nay, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện đã khởi sắc hơn rất nhiều. Đầu năm 2024 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong nước đạt chuẩn huyện NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Toàn huyện tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 0,84%; không còn nhà ở tạm; thu nhập bình quân hơn 70 triệu đồng/người/năm; 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Diện mạo nông thôn, miền núi có bước chuyển toàn diện nhờ hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đến tận thôn, bản với gần 84km đường xã, 122km đường thôn.

Anh La A Nồng, chủ một cơ sở sản xuất miến dong ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu) nói: “Đường sá được Nhà nước đầu tư đến tận thôn, bản, giúp người dân thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế. Từ làm nông nghiệp, kinh tế đồi rừng, mỗi năm gia đình tôi thu nhập 500-600 triệu đồng, đã xây được nhà lớn khang trang, hiện đại, mua được ô tô”.

Hạ tầng thiết yếu như điện, nước sạch, viễn thông cũng được quan tâm đầu tư nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, để đồng bào vùng khó khăn tiệm cận với mức sống người dân thành thị.

Mô hình trồng cây nho sữa của hộ anh Hà Văn Chiều (thôn Pặc Pùng, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) cho thu nhập hơn 170 triệu đồng/vụ.

Nhờ internet phủ sóng rộng rãi, anh Hà Văn Chiều (thôn Pặc Pùng, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) đã biết đến mô hình trồng cây nho sữa. Mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ những chia sẻ trong các nhóm, hội trồng nho trên mạng, từ năm 2023 anh Chiều mạnh dạn đầu tư trồng hơn 200 gốc nho. Vụ nho đầu tiên anh thu hoạch được 6 tạ quả nho, thu nhập hơn 170 triệu đồng. Anh Chiều phấn khởi nói: “Sang đầu năm tới, tôi tiếp tục mở rộng vườn, trồng thêm khoảng 300 gốc nho nữa để nâng cao thu nhập”.

Sự khấm khá về kinh tế mang đến sự phong phú về đời sống tinh thần cho người dân. Các CLB văn hóa thể thao ngày càng phát triển sôi nổi khắp các thôn, xóm, khu phố trong toàn tỉnh, thu hút người dân tham gia rèn luyện sức khỏe, mở mang đời sống tinh thần. Chị Triệu Thị Nga, Chủ nhiệm CLB Dân vũ thôn Làng Cang (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho biết: “Chúng tôi gặp gỡ nhau vào mỗi buổi tối, khi hết việc rừng, việc ruộng hoặc mỗi dịp lễ, tết. Chúng tôi cùng tập luyện các điệu múa, điệu nhảy theo tiếng nhạc, lời hát để biểu diễn cho nhau và tham gia giao lưu với các CLB khác trong xã, huyện. Chị em ai ai cũng vui vẻ, phấn khởi”.

Người dân xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên) phấn khởi khi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến tận nhà.

Từ sự trợ lực của các cấp cùng sự chủ động vươn lên của người dân, những bản, làng trong cả tỉnh đã khoác lên mình màu áo mới, là màu của mái ngói đỏ tươi, màu của tường sơn trắng sáng, tạo nên bức tranh trù phú, no đủ, yên vui. Hết năm 2023 thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh đạt 73,43 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đạt 100 triệu đồng/người vào cuối năm 2024. Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, thực hiện mục tiêu nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Đáng chú ý Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên trong nước đạt chuẩn NTM; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Theo Nguyên Ngọc – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 10
Hôm qua: 29
Trong tuần: 177

Trong 30 ngày qua: 899
Tổng truy cập: 958006

Đăng ký nhận tin.