Rửa mũi bằng nước muối sinh lý, bấm huyệt, tập yoga, xông hơi, chườm ấm… là những cách hỗ trợ cải thiện triệu chứng viêm xoang đơn giản tại nhà.
Nước muối sinh lý rất tốt trong việc làm sạch vi khuẩn đường mũi, họng. Bạn có thể xịt nước muối vào mũi để rửa mũi hàng ngày giúp giảm các triệu chứng của viêm xoang. Tuy nhiên, chỉ nên dùng nước muối sinh lý, không nên dùng nước muối tự pha. Lý do là nồng độ nước muối quá cao có thể gây tổn thương niêm mạc mũi, trong khi nếu nồng độ quá nhạt lại không đủ tác dụng sát khuẩn.
Xông hơi ấm
Việc giữ cho xoang thông thoáng nhưng không làm khô lớp niêm mạc rất quan trọng trong điều trị bệnh viêm xoang. Hít hơi ấm giúp làm dịu các mô xoang, giảm đau nhức, nghẹt mũi, mang lại cho người bệnh cảm giác thông mũi, dễ chịu.
Bạn có thể bật chế độ nước ấm sau đó đứng dưới vòi sen hoặc mở vòi sen để hơi nước bốc lên và ngồi trong phòng tắm. Hoặc bạn chỉ cần đun sôi một nồi nước, sau đó, hé mở vung, trùm một chiếc khăn lên đầu để hơi nước nóng bốc lên.
Dùng tinh dầu khuynh diệp và bạc hà
Dầu bạc hà và khuynh diệp đều có chất kháng khuẩn tự nhiên hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm đường hô hấp trên. Người bệnh có thể thoa dầu lên vùng chữ T để giảm cảm giác đau nhức xoang và thông mũi. Bạn cũng có thể nhỏ một ít tinh dầu vào máy xông tinh dầu và đặt trong phòng ngủ.
Một nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ) đã chứng minh, thành phần hoạt chất cineole trong dầu khuynh diệp còn giúp tăng tốc độ hồi phục sau viêm xoang cấp tính và người bệnh có thể sử dụng bằng cách hít vào mũi.
Chườm ấm
Các triệu chứng đau nhức xoang có thể được cải thiện khi chườm ấm. Bạn có thể dùng một chiếc khăn bông, nhúng vào nước ấm, vắt khô rồi chườm lên vùng chữ T, tình trạng nghẹt mũi sẽ được cải thiện đáng kể. Dịch nhầy được đẩy ra ngoài và tạo cảm giác dễ chịu.
Thay đổi tư thế ngủ
Giấc ngủ ngon rất cần thiết để cơ thể phục hồi và sửa chữa các tổn thương. Lý do là trong lúc ngủ, cơ thể sẽ sản sinh nhiều tế bào bạch cầu có tác dụng chống lại các tác nhân xấu tấn công cơ thể như vi khuẩn gây viêm xoang. Các chuyên gia hướng dẫn, người bệnh nên nằm ngửa và kê cao gối để mũi lưu thông khí tốt hơn.
Tập yoga
Các tư thế yoga có thể giúp hoạt huyết, làm tan dịch nhầy trong xoang và đẩy chúng ra ngoài, từ đó, giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi. Bạn dùng một tấm đệm hoặc một tấm chăn cuộn lại rồi đặt dưới lưng trong tư thế nằm, đầu gối gập, hai lòng bàn chân hướng vào nhau, hai cánh tay đặt dọc hai bên hông và giữ như vậy trong vài phút. Sau đó, lăn khỏi tấm đệm hoặc chăn và nằm nghiêng, ấn hai tay xuống sàn để ngồi dậy.
Xoa bóp, bấm huyệt
Liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt có tác dụng đối với các trường hợp viêm xoang không có biến chứng. Việc tạo áp lực lên các điểm huyệt có thể giảm đau, thư giãn cơ, cải thiện lưu lượng máu và đẩy chất nhầy ra ngoài xoang.
Người bệnh có thể ấn mạnh lên các huyệt nghinh hương, ấn đường, ty thông, hợp cốc khoảng 3 phút cho mỗi huyệt. Ngoài ra, xoa bóp nhẹ nhàng theo chuyển động tròn lên các vùng đau nhức cũng cải thiện các triệu chứng của bệnh. Phụ nữ mang thai nên thận trọng khi áp dụng phương pháp bấm huyệt này.
Sử dụng trà thảo mộc
Các loại trà thảo mộc tự nhiên có thành phần từ hoa cúc la mã, cây xô thơm, cỏ cà ri, cây marshmallow (thục quỳ), cỏ xạ hương, cây cơm cháy… chứa các chất kháng khuẩn tự nhiên hỗ trợ điều trị viêm xoang. Trung tâm Xoang New York (Mỹ) hướng dẫn, pha một tách trà thảo mộc nóng để hít hơi nước bốc lên có thể giúp giảm viêm tại chỗ. Xông hơi với trà gừng giàu chất kháng khuẩn, kali hoặc với chanh giàu vitamin C cũng có thể giúp loãng chất nhầy để tống chúng ra ngoài.