Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh thực hiện khâu đột phá: Giám sát, phản biện xã hội hiệu quả và thực chất

Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022 đã thống nhất tập trung nguồn lực để thực hiện một trong hai khâu đột phá là: “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ”. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ và nâng cao vai trò, vị thế của của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp.

Chủ động phát hiện, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện

Giám sát, phản biện xã hội đã được các cấp Hội thực hiện từ nhiều năm qua. Tuy không còn là vấn đề mới nhưng điểm mới trong nhiệm kỳ vừa qua là các cấp Hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương. Có thể khẳng định rằng Hội LHPN Việt Nam là một trong những đoàn thể triển khai quán triệt Quyết định 217-QĐ/TW sớm nhất thông qua Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tập huấn 3 miền, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể trong hệ thống Hội.

Với tỉnh Quảng Ninh, trong bối cảnh tình hình thực hiện mô hình thí điểm Cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh, việc triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện có không ít khó khăn, vướng mắc tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động Hội nói chung và hoạt động giám sát, phản biện xã hội nói riêng, đòi hỏi tổ chức Hội phải tập trung đổi mới, sáng tạo trong việc tham mưu và triển khai thực hiện phù hợp với mô hình mới. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội, Hội LHPN tỉnh đã ban hành văn bản nhằm cụ thể hóa các văn bản của Trung ương Hội, biên soạn các loại biểu mẫu, xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, phản biện xã hội và đưa vào tiêu chí, xem xét và đánh giá thi đua các cơ sở Hội định kỳ hàng năm, nhiệm kỳ,

Điểm nổi bật thuận lợi cho Hội Phụ nữ, từ năm 2018, Tỉnh ủy đã có cơ chế, chính sách giám sát, phản biện thông qua việc ban hành Chương trình thanh tra, kiểm tra giám sát chung của tỉnh, trong đó có nội dung chuyên đề giám sát cụ thể của các tổ chức CT-XH, các ban, ngành của tỉnh. Quá trình triển khai thực hiện hoạt động giám sát của Hội có sự phối hợp chặt chẽ và tích cực tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương; cách thức tổ chức khoa học, bài bản, có chiều sâu, cụ thể, không hình thức, chất lượng, hiệu quả hoạt động dần được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội chủ động phát hiện, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện. Các chủ đề giám sát luôn đảm bảo 2 yếu tố là tính đặc thù của tổ chức giới (gắn với quyền lợi của phụ nữ, trẻ em) và tính thời sự (các vấn đề về môi trường, vệ sinh ATTP, pháp luật lao động nữ, vụ việc đơn thư kéo dài...). Trong quá trình tổ chức thực hiện, ngoài các hình thức giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, một số hoạt động giám sát và phối hợp giám sát được Hội LHPN các cấp, thực hiện tốt công tác nắm tình hình phụ nữ và nhân dân, lấy thông tin phản ánh từ phía người dân thông qua “Diễn đàn lắng nghe ý kiến hội viên phụ nữ” được duy trì tại các địa phương, để làm căn cứ giám sát đột xuất, không báo trước. Cách làm này đã mang lại hiệu quả cao trong giám sát, phản ánh thực chất nhất về thực trạng tại thời điểm giám sát; từ đó có phản ánh, kiến nghị và đề xuất đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả... được Tỉnh, các ngành và nhân dân ghi nhận.

Với những đổi mới, linh hoạt trong cách thức thực hiện, từ năm 2018 đến nay hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp Hội đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2018, 2019 Hội đã chủ trì giám sát 03 chuyên đề về dịch vụ công của các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tại 14/14 địa phương; công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn, bữa ăn bán trú tại 130 trường học có bếp ăn, bữa ăn bán trú; việc thực hiện pháp luật lao động đối với lao động nữ tại 35 doanh nghiệp (tỷ lệ lao động nữ chiếm 30% trở lên) có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát đã phát hiện nhiều vấn đề còn tồn tại, bất cập; sau giám sát Hội đã kiến nghị 31 nội dung, nhiều nội dung kiến nghị đã được UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương, được các cấp, các ngành, đơn vị tiếp thu, khắc phục kịp thời.

(Ảnh: Giám sát việc đảm bảo điều kiện lao động đối với công nhân nữ tại công ty Yazaki. Nguồn: Báo Quảng Ninh.)

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh thực hiện phối hợp giám sát, phản biện 9 vụ việc đơn thư, phức tạp kéo dài liên quan đến Phụ nữ, trẻ em; chủ trì và phối hợp tham gia ý kiến phản biện đối với 5 văn bản Luật, 02 dự thảo Nghị quyết và các văn bản khác như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, dự án Phòng chống mua bán người, kế hoạch hành động về bình đẳng giới tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn,... Thường xuyên phối hợp tham gia các Đoàn giám sát của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh về các chuyên đề như bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các đơn vị ngành than, công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư ở cấp xã, thực hiện Chương trình 135, đề án 196 ...

Vai trò của người đứng đầu

Những kết quả trên đây phải kể đến vai trò của người đứng đầu tổ chức Hội trong việc tập hợp, bố trí lực lượng để thu thập thông tin, đánh giá thông tin đúng với bản chất từng vụ việc; sự chủ động của tổ chức Hội trong tham mưu nội dung giám sát, phản biện gắn nhiệm vụ đặc thù của Hội với nhiệm vụ chung của Cơ quan Khối MTTQ& các TC CT-XH; cách thức tổ chức thực hiện có sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt phù hợp yêu cầu thực tiễn; đội ngũ cán bộ tham mưu không ngừng học hỏi, rèn luyện chuyên môn, kỹ năng, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Quan trọng hơn cả là sự chủ động tham mưu, đề xuất các cấp ủy về chủ trương tiến hành giám sát nhằm tranh thủ sự lãnh đạo, định hướng của cấp ủy, nhất là việc tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát trực tiếp. Trước khi làm văn bản đề xuất chủ trương cấp ủy, Hội phụ nữ tỉnh nắm chắc các vấn đề phụ nữ của địa phương thông qua các báo cáo, họp giao ban, qua các khóa tập huấn, qua tham gia sinh hoạt hội viên, đặc biệt thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và các buổi đối thoại trực tiếp. Khi tiến hành hoạt động giám sát, các cấp Hội cũng chuẩn bị thật kỹ đề cương giám sát và phải gửi trước cho đối tượng giám sát để đảm bảo sự chuẩn bị trọng tâm, sát với nội dung giám sát và có thời gian trao đổi cụ thể về những vấn đề chưa cụ thể, rõ ràng. Chú trọng mở rộng thành phần giám sát, tùy theo nội dung mà có thể mời thêm các thành phần tham gia như: đại diện Thường trực, các ban của HĐND, Ban tổ chức, Ban Dân vận, MTTQ, các sở, ngành, đoàn thể có liên quan; chuẩn bị chu đáo việc in ấn, lập danh mục các văn bản liên quan, kể cả văn bản chỉ đạo của ngành dọc, dự kiến chương trình giám sát, bảng hỏi, cách thức giám sát và tổ chức họp đoàn lấy ý kiến trước khi ban hành. Theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát là khâu quan trọng qua đó sẽ đánh giá rõ ràng nhất hiệu quả giám sát ở mức độ nào. Để làm được việc này, Hội LHPN tỉnh phân công đồng chí Thường trực Hội (lãnh đạo Ban Kiểm tra - Giám sát Cơ quan Khối cấp tỉnh) đăng ký và trực tiếp làm việc với các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị, địa phương được giám sát đề nghị quan tâm giải quyết các kiến nghị sau giám sát và phân công cán bộ, Ban chuyên môn theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị để có kiến nghị tiếp theo.

Với cách làm trên đây, các báo cáo, kiến nghị sau giám sát và các ý kiến góp ý phản biện của Hội LHPN được các cấp, các ngành cơ bản đồng tình, tiếp thu để bổ sung theo đúng quy định, góp phần đưa các văn bản luật, nghị quyết vào cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ. 

Một số kinh nghiệm rút ra

Từ thực tiễn hoạt động giám sát và phản biện, góp ý của các cấp Hội Phụ nữ trênb địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh rút ra một số kinh nghiệm: (1) Phải bám sát định hướng giám sát, phản biện xã hội của Trung ương, Tỉnh ủy; nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của Hội, yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như vấn đề xã hội, hội viên phụ nữ quan tâm để chọn vấn đề giám sát phù hợp từng năm, và chủ động báo cáo đề xuất với cấp ủy về nội dung giám sát, phản biện để triển khai thực hiện. (2) Việc tổ chức, thành lập các đoàn giám sát chuyên đề phải có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể có liên quan nhằm giúp cho việc nhìn nhận, phát hiện các vấn đề qua quá trình giám sát khách quan, thực chất và có tính chuyên môn sâu. (3) Đội ngũ cán bộ Hội tham mưu thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải có bản lĩnh chính trị, có kiến thức chuyên môn về luật pháp và giới, nhiệt tình, tâm huyết, có phương pháp làm việc khoa học, hiểu thực tiễn, có kỹ năng nghiên cứu, phát hiện vấn đề, kỹ năng vận động chính sách, đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong giai đoạn mới. (4) Chủ động phát viện vụ việc và đề xuất; kiên trì theo đuổi đến cùng các yêu cầu, đề xuất và kiến nghị sau hoạt động giám sát để hoạt động giám sát của tổ chức Hội LHPN được thực thi, hiệu quả, đóng góp vai trò quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. (5) Gắn kết quả việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Hội LHPN các cấp với đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị được giám sát; với phân loại thi đua các tổ chức cơ sở Đảng, hoạt động của các đơn vị, địa phương hàng năm.

Thực hiện chủ đề công tác năm 2020 của Hội LHPN tỉnh là: “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN nữ tỉnh tiếp tục chủ trì giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách lao động đối với lao động nữ tại các đơn vị dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh với mục tiêu kịp thời phát hiện, kiến nghị kịp thời những vấn đề tồn tại, bất cập và đề xuất chính sách đối với phụ nữ theo chỉ tiêu Nghị Quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.

Việt Dung - Hội LHPN tỉnh

 



Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức vào ngày 23/5/2021. Nhằm hưởng ứng cuộc bầu cử, đồng thời, phát huy tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao hiểu biết về pháp luật, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”. Thông tin cụ thể về Cuộc thi như sau:

1. Đối tượng thi: Công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài

2. Nội dung thi: Các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; một số quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Hình thức thi: Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ website như sau: https://thitimhieuphapluat.moj.gov.vn hoặc truy cập Chuyên mục Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử Quốc gia; Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; Trang thông tin điện tử Truyền hình Quốc hội Việt Nam; Báo Điện tử Đại biểu nhân dân và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử.

4. Thời gian thi: Cuộc thi sẽ diễn ra trong vòng 30 ngày (từ 0h00 ngày 01/4/2021 đến 24h00 ngày 30/4/2021).

5. Cách thức thi: Người dự thi truy cập đăng ký dự thi theo hướng dẫn và thực hiện trả lời 20 câu hỏi (bao gồm 19 câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp, 01 câu dự đoán số lượng người dự thi trả lời đúng tất cả các câu hỏi trắc nghiệm) trên máy tính và các thiết bị di động có kết nối internet. Trong quá trình diễn ra Cuộc thi, mỗi cá nhân được dự thi tối đa 03 lượt thi để có thể cải thiện kết quả, mỗi lượt thi kéo dài tối đa 20 phút.

6. Giải thưởng Cuộc thi: Người đạt giải được Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Giấy chứng nhận kèm theo hiện vật (nếu có) và mức giải thưởng như sau:

- 01 Giải Nhất: 06 triệu đồng/giải;

- 05 Giải Nhì: 03 triệu đồng/giải;

- 10 Giải Ba: 02 triệu đồng/giải;

- 20 Giải Khuyến khích: 01 triệu đồng/giải.

Hội LHPN tỉnh đề nghị Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc kịp thời thông tin, vận động, khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân tìm hiểu, hưởng ứng và tham gia Cuộc thi để lan tỏa ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời góp phần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của cử tri trong công tác bầu cử./.

 



Tuyên truyền các sự kiện, hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam




Tuyên truyền các sự kiện, hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam




Hướng dẫn các hình thức biểu dương, khen thưởng và tổ chức gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh




   THỐNG KÊ
Tổng truy cập: 308670
Đang Online: 664
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH QUẢNG NINH
Giấy phép hoạt động số 51/GPTTĐT-STTTT ngày 27/7/2022
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Vũ Thu Hòa - Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Tỉnh
Địa chỉ: Tầng 5, trụ sở các Ban Xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long
Điện thoại: 02033 623589 /Email: lhpn@quangninh.gov.vn